Nhiều người khi đi khám bệnh tổng quát, khám sức khoẻ định kỳ được bác sĩ chẩn đoán gan nhiễm mỡ trong khi hoàn toàn không có triệu chứng bất thường nào về đường gan mật. Do đó không ít người cảm thấy hoang mang. Vậy gan nhiễm mỡ là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và ăn uống ra sao?
Gan nhiễm mỡ hay còn gọi gan thoái hoá mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Bình thường lượng mỡ chiếm khoảng 3-5% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5-10%, nếu 10-25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Mức độ gan nhiễm mỡ cũng phụ thuộc vào bệnh chính gây ra và việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh.
Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó muốn điều trị gan nhiễm mỡ thì phải điều trị bệnh chính gây ra gan nhiễm mỡ và không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi tình trạng này nếu như không điều trị nguyên nhân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ như béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu, nghiện rượu, viêm gan siêu vi, do sử dụng một số thuốc như corticoid, tamoxiphen, amiodarone… Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân gan nhiễm mỡ là do béo phì.
Béo phì
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở bệnh nhân béo phì và mức độ nhiễm mỡ cũng liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng. Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu béo phì nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn và lâu ngày sẽ có khả năng đưa đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.
Vì vậy để điều trị gan nhiễm mỡ cho người béo phì thì điều quan trọng là phải thực hiện chương trình giảm cân thích hợp. Cụ thể là không chỉ giảm ăn nhiều chất béo, mà cần giảm ăn các loại thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt vì chất bột đường nếu dư thừa cũng sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ ở bụng và trong nội tạng như gan, tim...
Tiểu đường
Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type I, nhưng rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân tiểu đường type II bị gan nhiễm mỡ.
Nếu bệnh nhân tiểu đường mà béo phì thì mức độ bị gan nhiễm mỡ càng cao và dễ có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Vì vậy điều trị tốt bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết, thực hiện tốt chương trình giảm cân hợp lý là điều quan trọng hàng đầu để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ ở người bệnh tiểu đường.
Tăng mỡ máu
Tăng mỡ máu hay tăng lipid máu (bao gồm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao.
Điều trị chứng tăng mỡ máu bằng chế độ ăn hạn chế chất béo, bớt ăn thịt, tăng cường ăn cá (hoặc uống thêm dầu cá omega 3), ăn nhiều rau xanh, đậu hạt, trái cây, ăn ít ngọt, hạn chế rượu bia (không uống quá 2 lon mỗi ngày đối với nam và một lon đối với nữ) vì trong bia tuy không có chất béo nhưng chúng có nhiều năng lượng rỗng và phần năng lương dư thừa này sẽ chuyển hóa thành mỡ đọng lại ở bụng được gọi là mỡ bụng.
Việc thực hiện tốt chế độ ăn hợp lý mà chưa cần dùng đến thuốc để giảm mỡ máu cũng góp phần cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nghiện rượu
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mãn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan.
Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nhưng nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan. Bên cạnh đó việc thường xuyên dùng các loại thuốc như acemol, panadol... để giảm nhức đầu sau khi uống rượu cũng làm cho gan tổn hại nhanh. Như vậy không có thần dược nào để chữa gan nhiễm mỡ hay để phòng xơ gan do rượu tốt bằng con đường cai nghiện rượu trước khi quá trễ.
Theo Vnexpress.net
Không có đánh giá nào.